Tư vấn giảm cân khoa học
Người béo phì muốn giảm cân cần giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể nhưng cần đảm bảo nguyên tắc đủ lượng protein cần thiết. Một chế độ ăn phù hợp là lựa chọn các thực phẩm giàu protein và ít lipid như thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, phô mai gầy, trứng, đậu đỗ; nên ăn cá nhiều hơn thịt; ưu tiên ăn các món luộc, hấp, nướng ít dầu mỡ.
Nếu muốn uống sữa, nên sử dụng loại dành cho người thừa cân béo phì hoặc tách béo không đường, giàu canxi, sữa chua ít hoặc không đường…
Muốn giảm cân khoa học nên ăn ít tinh bột. Nếu cảm thấy đói, có thể ăn tăng nhóm rau củ quả để bù vào dạ dày, hoặc các loại thực phẩm ít năng lượng nhưng giúp no như cuốn bánh tráng với cá hấp nhiều rau, gỏi cuốn…

Người béo phì cũng có thể sử dụng thực phẩm nhóm tinh bột còn nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Lưu ý, nguyên tắc ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không bỏ bữa, không để quá đói, không ăn sau 20h.
Người béo phì nên ăn rau xanh và quả chín khoảng 500g/ngày, chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn salad. Tăng cường ăn rau, củ, trái cây ít ngọt như táo, dưa hấu, mận, ổi, thanh long… Cung cấp đủ vitamin và muối khoáng. Uống đủ từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Hạn chế ăn muối, chỉ dưới 6g/ngày (từ 2-4g muối/ngày nếu có tăng huyết áp).
Bên cạnh đó, người béo phì nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30phút/ngày bằng cách đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe…
Đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 giờ/ngày, hạn chế thức khuya. Lưu ý theo dõi cân nặng hàng tuần và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần.
Những thực phẩm người béo phì không nên dùng
- Nhiều chất béo: thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…
- Nhiều cholesterol: não, tim, gan, thận, lòng lợn…
- Món ăn đưa thêm chất béo: bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán…
- Thức ăn giàu năng lượng: đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, socôla, nước ngọt…
- Đồ uống có chất kích thích: rượu, bia, cà phê…
Xem thêm:
Bài viết liên quan: